Lò vi sóng với khả năng nấu thức ăn cực nhanh, chỉ vòng trong vài phút, được giới thiệu như trợ thủ đắc lực cho người dùng bận rộn. Nhưng người dùng có thực sự hiểu nó vận hành như thế nào và tính an toàn cũng như cách sử dụng tốt nhất của nó?
Lò vi sóng nấu chín thức ăn từ trong ra ngoài
Lò vi sóng thường có các bộ phận sau: nguồn phát sóng (sóng vi ba), mạch điện tử điều khiển, ống dẫn sóng và ngăn nấu.
Sóng vi ba là sóng vô tuyến. Sóng vi ba trong lò vi sóng là các dao động của điện từ với tần số thường ở 2,450 MHz (bước sóng cỡ 12,24 cm).
Khi bạn ấn nút khởi động, thường chỉ mất 2 giây để lò vi sóng sản sinh ra sóng và thổi vào khoang nấu.
Với tần số này, sóng vi ba dễ dàng bị hấp thụ bởi nước, chất béo, đường các chất hữu cơ. Các sóng bên trong lò sẽ được phát ở đúng tần số để có thể đi sâu vào trong thức ăn và truyền hầu hết năng lượng cho nước bên trong thực phẩm.
Thức ăn trong lò nóng lên nhờ sự ma sát của các phân tử thức ăn bị xoay chuyển liên tục trong từ trường. Hai đầu tích điện âm và dương của phân tử thức ăn bị đảo ngược 2.5 tỷ lần trong 1 giây theo tần suất đảo ngược của điện trường trong lò, sinh ra ma sát lớn giữa các phân tử và từ đó sản sinh nhiệt năng làm thức ăn nóng lên.
Trong lò vi sóng, thức ăn được nấu chín nhanh hơn các cách nấu thông thường là vì tất cả các phân tử thức ăn đều được làm nóng lên cùng lúc khiến thức ăn chín đều từ trong ra ngoài, có thể rút ngắn thời gian nấu đến ¾ so với các dụng cụ đun nấu khác.
Trong khi thực phẩm bị làm nóng lên liên tục thì không khí trong lò vi sóng vẫn ở nhiệt độ phòng. Các dụng cụ đựng thực phẩm chuyên dụng trong lò vi sóng như nhựa, thủy tinh, gốm sứ là các loại chất rắn ít nước không hấp thụ sóng vi ba nên không bị nóng lên.
Chỉ có thực phẩm bị làm nóng, vì vậy mà hiệu năng sử dụng điện của lò vi sóng rất cao, tiết kiệm điện tốt. Tuy nhiên nhược điểm sinh ra là món ăn được làm nóng đều nên bề mặt sẽ không có được màu vàng nâu hay độ giòn như khi nướng hay chiên xào trong nồi chảo, lò nướng.
Dụng cụ sử dụng được trong lò vi sóng
– Nhựa, thủy tinh, gốm sứ không hấp thụ sóng vi ba nên không bị làm nóng trong lò vi sóng. Chúng được dùng để làm dụng cụ chuyên dụng nấu ăn trong lò vi sóng. Nhưng cần lưu ý không dùng các loại nhựa dẻo, vì chúng bắt nhiệt cao, nhiệt từ thức ăn được làm nóng có thể khiến nhựa chảy, biến dạng.
– Kim loại phản xạ lại sóng vi ba dễ gây tia lửa điện kèm theo nguy cơ cháy nổ nên không dùng được trong lò vi sóng. Các chén bát nhựa hay sứ có trang trí hoa văn kim loại cũng không nên nấu ăn trong lò vi sóng.
– Tuy nhiên, nếu lò vi sóng của bạn có chức năng nướng, thì khi chuyển sang chế độ nướng nhiệt cấp cho lò sẽ là từ dây điện trở hay đèn halogen chứ không phải sóng vi ba, nên khi đó có thể dùng dụng cụ kim loại trong lò vi sóng, còn với các chức năng nấu khác thì tuyệt đối không dùng kim loại trong lò.
– Lưu ý: Luôn cần tạo độ hở cho các món nấu trong lò: mở nắp dụng cụ nấu, đâm lủng vỏ trứng, vỏ xúc xích, các loại củ quả có vỏ mọng khác để khi thức ăn bị nấu chín tăng thể tích do nhiệt sẽ không bị bể, phát nổ trong lò.
Sóng vi ba có an toàn với con người?
Sóng vi ba là một loại sóng điện từ có thể truyền trong không gian với vận tốc ánh sáng, chúng ta không thể nhìn thấy nó
Sóng vi ba có bước sóng ngắn hơn sóng radio nhưng dài hơn tia hồng ngoại (bước sóng cỡ 12.24 cm). Với độ dài này, sóng vi ba có thể được hấp thụ bởi hầu hết các loại thức ăn. Nhưng các hạt của vi sóng, được biết với cái tên photon, không có đủ năng lượng để phá hủy phân tử và gây ra các bệnh ung thư như tia cực tím hay tia X.
Chính vì vậy mà trên lý thuyết, dùng lò vi sóng khá an toàn. Các nhà khoa học cho tới nay vẫn chưa tìm thấy các dẫn chứng chứng minh tác hại của lò vi sóng.
Trên thực tế, khi lò hoạt động, sóng vi ba bị cản lại hoàn toàn nhờ lớp kính chắn sóng đặc biệt của cửa lò, và tiêu tán trước khi bạn mở cửa lò. Cần đảm bảo cửa lò không bị hở khi nấu để vi sóng không lọt ra ngoài. Bạn có thể chọn các lò vi sóng có chức năng tự dừng hoạt động khi cửa lò bị hở.